Bánh tẻ Chờ là một sản phẩm truyền thống của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có nguồn gốc từ Tổng Chờ ngày xưa, bắt nguồn từ việc người dân sản xuất chủ yếu để tiêu dùng trong nhà, đặc biệt vào các dịp lễ tết (cả ngày xưa và nay) thì đây là sản phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ của mỗi gia đình tại địa phương. Trải qua một thời gian dài thì bánh tẻ Chờ đã được sản xuất hàng ngày và trở thành một hàng hóa đặc sản của người dân nơi đây. Với mùi thơm đặc trung, sự kết hợp hài hòa giữa hạt gạo tẻ, thịt lợn, hành, mộc nhĩ, hạt tiêu đã tạo nên những chiếc bảnh tẻ với hương vị không thể quên được đối với những ai đã từng thưởng thực.
Để làm ra một sản phâm bánh tẻ tròn vị thì quá trình sản xuất sản phẩm trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như: lựa chọn nguyên vật liệu, làm bột, gói và hấp bánh, trong mỗi công đoạn lại phải tuân thủ theo những bước rất tỉ mỉ và đòi hỏi phải có những bí quyết riêng. Điểm đặc biệt nhất để làm nên vị ngon đặc trưng của Bánh tẻ làng chờ là khâu làm bột bánh (vỏ bánh).
Gạo làm bột bánh tẻ phải được lựa chọn kỹ càng, là loại gạo có mùi thơm, độ dẻo dính vừa phải, sơ chế sạch sẽ sau đó xay sát và ngâm khoảng 5-6 giờ đồng hồ rồi cho vào xay. Gạo được xay với nước sạch với một tỉ lệ nước nhất định, càng say bột càng nhỏ thì bánh làm ra càng mịn. Tiếp theo là bột bánh sẽ được ngâm tùy theo thời tiết từ 1-3 ngày. Trong quá trình ngâm bột, thường xuyên thanh nước để tránh bột bị chua.
Nguyên vật liệu tiếp theo được người sản xuất chọn lựa rất kỹ là lá dong, trước khi gói lá dong phải được rửa nhiều lần với nước sạch, để ráo và lau khô bằng khăn sạch.
Nhân bánh cũng được lựa chọn và sơ chế cẩn thận, thịt là nhân bánh là thịt lợn mông hoặc vai, có màu đỏ tươi và phải được thu mua trong ngày, không quá nhiều nạc để bánh không bị khô. Rửa sạch thịt và băm nhỏ rồi trộn đều với mộc nhĩ, hành khô thái nhỏ nêm gia vị vừa đủ như hạt nêm, tiêu, một chút nước mắm cho thơm.
Sau khi đã hoàn thành khâu sơ chế vỏ bánh và nhân bánh, thì tiến hành gói bánh, thân hơi tròn, hai đầu nhỏ hơn và hơi dẹt, và được gói cuộn tròn bằng dây. Bánh được làm chín hoàn toàn bằng hơi trong chõ, không để bị thấm nước và phải giữ được độ ngon và có hương vị đặc trưng. Không nếu để lửa to quá hay hay luộc quá lâu thì bánh sẽ bị nhão; hoặc không đủ lửa thì bánh sẽ không chín và không đủ độ kết dính.
Mặc dù có rất nhiều địa phương có sản phẩm bánh tẻ, tuy nhiên với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, cùng với sự tâm huyết của bà con làm bánh tẻ, sản phẩm bánh tẻ Chờ có các đặc điểm nổi trội như: Bánh tẻ có màu trong hơi ngà xanh, bóng đẹp, vị thanh mát, dẻo, ăn không ngán, phần vỏ vừa mèm dẻo lại vừa giòn một cách tự nhiên, với mùi thơm đặc trưng của gạo và các nguyên liệu làm nhân.
Do sản phẩm được sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu tự nhiên, không dùng phụ phẩm nên bánh khó bảo quản, bánh chín chỉ để dược 1-2 ngày, bánh sống nếu được bảo quản tốt sẽ để được từ 5-7 ngày; sản phẩm bánh tẻ Chờ hiện nay được tiêu thụ chủ yếu tại Bắc Ninh và các thị trường lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang,…