Bước 2: Làm vỏ bánh:
Gạo được ngâm khoảng 2-3 ngày rồi đem vo sạch, để ráo nước và cho vào cối xay với tỷ lệ nước nhất định, sao cho bột bánh càng nhỏ càng tốt. Nếu bột bánh càng nhỏ thì bánh làm ra sẽ càng mịn. Để bánh có độ dai thì bột bánh phải được ngâm trong thời gian từ 1 đến 3 ngày tùy theo thời tiết (nếu mùa hè có thể ngâm từ 1-2 ngày, mùa đông ngâm bột từ 2-3 ngày). Trong quá trình ngâm bột, người thợ làm bánh cần phải chú ý thường xuyên thay nước (gạn bỏ nước cũ, thay bằng nước mới), mỗi lần thay nước phải khuấy đều bột, khi đủ thời gian ngâm, bột được múc ra rồi cho thêm vài thìa cà phê muối, thêm nước khuấy đều sau đó gạn nước (để khử chua).
Sau khi bột được ngâm đủ, múc ra khuấy đều và gạn nước thì người thợ làm bánh đem bột cho vào nồi quấy chín 50% rồi lại cho vào máy đánh nhuyễn thêm cho mẻ bột vừa sánh, vừa dẻo lại dai tấm bánh. Sau đó, thứ bột nước này phải được đun lên để cho đặc lại và có độ dính như keo. Ở làng Chờ người ta xay bột bằng cối đá, bột nước được đun nhỏ lửa, vừa đun vừa phải liên tục khuấy đảo bằng cả hai tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục và đặc biệt là bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “giáo bột”. Khâu giáo bột cực kỳ quan trọng trong quá trình làm bánh, bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được giáo, và mỗi người thợ lại có những bí quyết khác nhau để giáo bột.