Bánh tẻ làng Chờ, món đặc sản dân dã ăn một lần là nghiền ở Bắc Ninh, nhưng bánh tẻ nơi đây có gì khác biệt? Ngon lạ đậm chất Kinh Bắc của bánh tẻ làng Chờ ra sao?
Bánh tẻ Chờ có từ khi nào khó ai có thể xác định được. Chỉ biết rằng, nó đã nổi tiếng trong toàn huyện Yên Phong và cả tỉnh Bắc Ninh này từ lâu lắm rồi. Cứ dịp lễ Tết, hiếu hỉ là thấy trên bàn thờ mọi nhà đều bày món bánh đặc sản ấy.
Yên bình làng Chờ năm xưa
Chờ là tên gọi chung của 7 làng: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu (thị trấn Chờ), Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) thuộc tổng Chờ xưa, nay là huyện Yên Phong. Vùng đất Bắc Ninh vốn nổi tiếng xa gần là vùng đồng chiêm có nhiều giống lúa cho ra những hạt gạo thơm ngon, dẻo mềm, mập mẩy.
Thế nên, các loại bánh được làm từ bột gạo của làng Chờ, loại lúa gạo thơm ngon ấy cũng vì thế mà ngon có tiếng. Trong rất nhiều loại bánh của làng, nổi tiếng nhất là bánh tẻ Chờ. Món ăn dân dã ấy là niềm tự hào ẩm thực của dân Tổng Chờ xưa và cũng nhờ nó mà làng Chờ đã thay da đổi thịt.

Bánh Tẻ nhìn sẽ ra sao?
Bánh tẻ, từ hạt lúa trên cánh đồng đến chiếc bánh làm nên tên tuổi làng Chờ Cũng chỉ từ nguyên liệu là bột gạo ngon, mộc nhĩ, hành khô, thịt lợn cùng một số loại gia vị dễ kiếm mà sao bánh tẻ Chờ của Bắc Ninh lại ngon đến lạ. Hỏi ra mới biết, để làm ra loại bánh tẻ mang hương vị đặc trưng này, bà con làng Chờ thường phải chuẩn bị rất kĩ càng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến bánh tẻ.
Gạo làm bánh tẻ chắc chắn phải là loại gạo ngon, có mùi thơm và có độ dẻo vừa phải. Hạt gạo cũng phải đảm bảo về độ sạch.
Cách làm bánh tẻ làng Chờ ra sao?
Bên cạnh gạo, nguyên liệu phần nhân bánh sử dụng phần thịt lợn mông hoặc thịt vai cùng mộc nhĩ, hành khô, hạt nêm, nước mắm ngon, hạt tiêu thơm… Tất cả đều được nhập từ những cơ sở, đại lý uy tín cung cấp. Riêng thịt lợn, bà con thu mua trong ngày nên thịt luôn đảm bảo độ tươi ngon cần thiết..
Gạo tẻ được xay ướt thành bột nước loãng. Bột được ngâm và thay nước thường xuyên cho đến khi bột đạt tiêu chuẩn thì múc bột ra, cho thêm vài thìa cà phê muối và nước khuấy đều. Gạn nước lấy phần bột mịn trước khi cho vào nguấy.

Hình ảnh bánh tẻ làng Chờ
Lúc đầu khuấy bột còn dễ vì bột còn lỏng, đến khi bột bắt đầu cô đặc lại dần thì người khuấy bột phải dùng hết sức đánh cho bột được khô đều. Vất vả là vậy, nhưng người làm bột không được lơ là dù chỉ 1 phút. Bởi chỉ cần bột không chín đều, hoặc bị cháy là cả mẻ bột sẽ phải đổ bỏ.
Nhân bánh được làm từ thịt lợn ngon, cả nạc lẫn mỡ và bì luộc chín, thái hạt lựu. Mộc nhĩ ngâm cho nở rồi băm nhỏ, hành củ xắt mỏng và một chút gia vị đi kèm rồi xào thơm lên là được. Công đoạn gói bánh là mất nhiều nhân công và thời gian nhất bởi bánh tẻ làng Chờ nhỏ hơn rất nhiều so với bánh tẻ ở các vùng khác.

Khuôn hình bánh tẻ làng chờ
Mỗi một chiếc bánh chỉ to cỡ hai ngón tay, dài tầm 1 gang tay người lớn nên những người thợ lành nghề phải gói rất nhanh tay mới đảm bảo được số lượng bánh cho 1 nồi luộc.
Cuối cùng, bánh được xếp cẩn thận vào nồi. Chỉ cần luộc khoảng 20 phút thì bánh sẽ chín và có thể sử dụng được.
Bánh tẻ Chờ – Món ngon dân dã và món quà mang về
Bánh tẻ làng Chờ ngon nhất là ăn nóng, khi bánh vừa mới ra lò. Nhẹ nhàng dùng tay bóc lớp lá ra, sẽ thấy hương thơm nhẹ nhàng , thanh mát của lá dong quyện với mùi bột gạo chín. Miếng bánh màu ngà vừa mềm dẻo vừa dai giòn một cách tự nhiên lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Ăn một chiếc rồi vẫn thòm them ăn thêm chiếc nữa. Mỗi người mua đều muốn dùng ít nhất 3 chiếc bánh nóng hổi. Rồi mua về làm quà cho người nhà. Chiếc bánh mang về, có thể cất trong tủ mát, khi ăn hấp nóng lại. Bánh vẫn giữ nguyên vị thơn ngon trong suốt một hai tuần.
Bánh tẻ làng Chờ đã trở thành món quà mang về cho du khách mỗi dịp sang Bắc Ninh chơi. Chắc có lẽ bởi trong mỗi chiếc bánh, người làng Chờ đã gửi trọn hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt vào trong đó. Thức quà quê dân dã nhưng lại vô cùng đậm đà, khó quên.